“Nhanh chân” VUAir Cargo có gì?

Administrator

Administrator

Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá bằng máy bay chuyên dụng.

 

Trong khi một số hãng hàng không vẫn đang chật vật chờ cấp phép thì một hãng hàng không "trẻ" đã "nhanh chân" công bố hợp tác thành lập hãng hàng không chuyên cho hàng hoá đầu tiên – Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo). Được biết, VUAir Cargo là kết quả hợp tác của Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) vừa chính thức ký kết hợp tác với Công ty Asean Cargo Gateway (ACG).

Trước Vietravel Airlines, Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên cho hàng hoá bằng máy bay chuyên dụng.

 

Phải nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà hai doanh nghiệp tưởng chừng như đối thủ này lại "bắt tay" phát triển. Theo các chuyên gia, yêu cầu tối thiểu về số lượng máy bay là 30 chiếc để một hãng hàng không đạt được tỷ lệ hoà vốn thì Vietravel Airlines hiện chỉ sở hữu 5 máy bay. Cùng với gánh nặng chi phí cho đội ngũ nhân sự cần duy trì cho hoạt động bay, Vietravel Airlines lại ra đời giữa đại dịch nên doanh nghiệp này chứng kiến sự thua lỗ của mảng vận tải hành khách.

Trong khi đó, ACG lại là doanh nghiệp duy trì hàng trăm chuyến bay freighter giữa đại dịch. Được biết ACG cũng là thành quả của mô hình liên kết hợp tác giữa các ông lớn trong lĩnh vực logistics. Có lẽ bởi điều này mà VUAir Cargo tự tin với những thế mạnh về mạng lưới - công nghệ - sự kết nối giữa chủ hàng trong nước và quốc tế với một mô hình kinh doanh khác biệt sẽ giúp phát huy hiệu quả và tận dụng những thế mạnh từ hai bên.

VUAir Cargo dự kiến sử dụng tàu bay chuyên dụng B737-800BCF.

Mặc dù không nói rõ về con số tỷ trọng hàng hoá cụ thể, nhưng Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cũng cho biết hãng tự tin cùng đối tác của mình "dành lại" thị phần hàng hoá hàng không đang nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài. Đặc biệt, VUAir Cargo cũng không ngần ngại cho biết tham vọng tăng trưởng gấp đôi số tàu bay chuyên dụng mỗi năm.

Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam, được đánh giá là đang rất "nóng". Năm 2021, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng khoảng 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019.

Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5-6 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Với hàng không, thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chỉ vào khoảng 11%. Việc xuất hiện hãng hàng không chuyên chở hàng sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm.

Chia sẻ: